TRỔ TÀI "MÀI NGỌC"
Đội tuyển Việt Nam đang có cuộc trẻ hóa triệt để nhất trong nhiều năm qua,ÔngTroussiertrổtàiđãicáttìmvàngởđộituyểnViệanimevietsub khi HLV Philippe Troussier ưu ái dành tới gần một nửa số suất triệu tập (14 trong số 33 cầu thủ) ở đợt tập trung tháng 10 cho các tài năng U.23, trong đó có nhiều cầu thủ lần đầu lên tuyển dù chưa từng ra sân ở V-League như Đình Bắc, Thanh Nhàn, Minh Trọng, Văn Cường...
Thực tế, đội tuyển Việt Nam đã từng nhiều lần trẻ hóa. Thời HLV Park Hang-seo nắm quyền, hàng loạt sao trẻ từ đội U.23 Việt Nam (năm 2018) đã được đôn lên đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, lợi thế của ông Park trước đây là sở hữu đội hình "tài không đợi tuổi" vô cùng thiện chiến, đã ra sân ở nhiều giải đấu lớn nhỏ khi còn rất trẻ. Lứa U.23 Việt Nam mà HLV Troussier sở hữu hiện tại khó sánh bằng đàn anh về mặt kinh nghiệm, bởi dàn cầu thủ này bị gián đoạn cơ hội đá các giải trẻ ở giai đoạn 2020 - 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Nhưng, ông Troussier vẫn có cơ sở đặt niềm tin. Chiến lược gia người Pháp có gần 3 năm làm việc ở PVF, huấn luyện nhiều cầu thủ thuộc lứa U.19. Ngoài 3 trận nắm quyền ở đội U.19 Việt Nam tại vòng loại U.19 châu Á 2020, HLV Troussier đã có nhiều đợt tập trung gọi tới 50, 60 cầu thủ nhằm đảm bảo danh sách 100 cầu thủ được trui rèn liên tục cho bóng đá Việt Nam hướng tới giấc mơ World Cup.
Ở những đợt tập trung trước, HLV Troussier còn yêu cầu lứa đàn anh ở đội tuyển Việt Nam theo dõi cách U.23 Việt Nam thực hiện bài tập. Với HLV Troussier, không có ranh giới giữa cầu thủ trẻ với các ngôi sao. Ai đáp ứng được tiêu chuẩn sẽ có suất đá chính, tiêu biểu như trường hợp của Văn Tùng, Thái Sơn, Tuấn Tài... ở các trận giao hữu trước.
Dù vậy, để mài giũa "ngọc thô", vị thuyền trưởng đội tuyển Việt Nam cần có lộ trình phát triển cầu thủ rõ ràng, thay vì một quyết định triệu tập thuần túy. Khi HLV Park còn nắm quyền, ông đan cài, xen kẽ lứa trẻ với lớp đàn anh theo tỷ lệ được chọn lọc kỹ càng. Số lượng cầu thủ trẻ thường chỉ chiếm từ 30 - 40% quân số đội tuyển, để vừa thử nghiệm vừa trao cơ hội cho lớp kế cận, nhưng vẫn đảm bảo lớp cầu thủ trẻ này được đàn anh kỳ cựu dẫn dắt. Mỗi HLV có một triết lý dùng người riêng, phụ thuộc vào chất lượng các cầu thủ trẻ cũng như đòi hỏi chuyển giao của đội tuyển Việt Nam. Vì thế, hy vọng HLV Troussier thành công với triết lý của mình.
LÁCH CỬA HẸP
Ông Troussier đã áp dụng cách làm "cài răng lược", song làm việc với cầu thủ trẻ, các HLV cần sự kiên trì, thậm chí mạo hiểm. Với cơ hội cạnh tranh ít ỏi, các cầu thủ trẻ cần tận dụng tối đa cơ hội để được thi đấu. Dưới thời ông Park, rất nhiều cầu thủ trẻ được trao suất lên tuyển, nhưng số trụ lại rất ít ỏi, có thể kể đến Việt Anh, Thanh Bình, Hoàng Đức, Tuấn Hải...
Khác biệt nằm ở nỗ lực vượt bậc của cầu thủ, không chỉ trên khía cạnh chuyên môn, mà còn là sự thích nghi. Đội tuyển Việt Nam được dự báo sẽ có lối chơi cởi mở, dựa trên nguồn năng lượng dồi dào mà ông Troussier đang phát triển, cơ hội sẽ đến với những cầu thủ trẻ đã định hình kỹ năng chơi bóng cùng phẩm chất đặc biệt ở một số vị trí, như Thái Sơn (tiền vệ trung tâm), Tuấn Tài (trung vệ lệch cánh) hay Văn Cường (chạy cánh phải). Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt, các cầu thủ cần học cách tự hoàn thiện để trưởng thành.
Bình luận viên Ngô Quang Tùng đánh giá: "Ý định thử nghiệm luôn nằm trong tính toán của ông Troussier. Lứa cầu thủ U.23 cũng có khoảng thời gian làm việc nhiều với HLV người Pháp, nếu trong số này có khoảng 5 - 7 cầu thủ được ra sân đã là thành công". Chuyên gia Đoàn Minh Xương lại có quan điểm dù ưu tiên thử nghiệm cầu thủ, nhưng ở vòng loại World Cup 2026, đội tuyển Việt Nam nhiều khả năng ra sân với bộ khung quen thuộc từ thời HLV Park. Sự điều chỉnh sẽ đến từ lối chơi và cách tổ chức đội hình. Tuy nhiên, với cánh cửa cho cầu thủ trẻ chưa bao giờ khép lại, đội tuyển Việt Nam sẽ đặt mục tiêu kép: vừa "đãi cát tìm vàng", mà vẫn đảm bảo thành tích ở vòng loại World Cup 2026.